top of page
didochanoi

VĂN MIẾU-QUỐC TỬ GIÁM DẤU ẤN VÀNG SON TRÊN MẢNH ĐẤT NGÀN NĂM VĂN VẬT


 


Văn Miếu – Quốc Tử Giám là hiện thân cả một chiều dài lịch sử gần ngàn năm của giáo dục và khoa cử Việt Nam giữa lòng Hà Nội. Nơi chứng kiến sự hình thành cũng như các bước phát triển của lịch sử giáo dục Nho học qua các thời kì phong kiến Việt Nam.



Văn Miếu được vua Lý Thánh Tông cho xây dựng năm 1070, là nơi thờ Văn Tuyên Vương Khổng Tử và cũng là nơi cho thái Tử Lý Càn Đức theo học. Lý Càn Đức lên ngôi, hiệu Lý Nhân Tông, sau kì thi đầu tiên - Minh kinh Bác học 1075, năm 1076, ông cho mở Quốc Tử Giám làm nơi dạy học, mở ra chiều dài lịch sử giáo dục và khoa cử của Việt Nam.

Dưới thời kì Lý - Trần, Quốc Tử Giám chủ yếu là nơi dạy học cho con em hoàng thân quốc thích và quan lại. Đến thời Lê Sơ, khi khoa cử là con đường duy nhất để định quan, Quốc Tử Giám trở thành trường học cho hiền tài cả nước. Năm 1484, Lý Thánh Tông cho dựng những tấm bia tiến sĩ đầu tiên, với mục đích cao đẹp là vinh danh những bậc hiền tài đã đỗ đạt và cống hiến cho quốc gia, để kẻ sĩ nhìn vào đó mà cầu tiến bộ. Một trong những tấm bia tiến sĩ đầu tiên được dựng, hiện ở bi đình Tả vu, của Đông các học sĩ Thân Nhân Trung, có khắc một câu để đời “Hiền tài quốc gia chi nguyên khí” (Hiền tài là nguyên khí quốc gia).



Qua thời gian, vườn bia tiến sĩ của Văn Miếu hiện tại còn lưu giữ được 82 tấm bia Tiến sĩ của các thời kì Lê Sơ – Mạc – Lê Trung Hưng (1484 – 1779). Đó đều là những tư liệu quý của quốc gia, là tư liệu văn hóa thế giới (công nhận bởi UNESCO), là chứng tích của một dân tộc có truyền thống đề cao đạo học và trọng nhân tài.


Văn Miếu Quốc Tử Giám hiện nay đang là một trong những điểm đến nổi tiếng nhất cả nước nói chung và thủ đô Hà Nội nói riêng. Và đặc biệt đó là nơi để những người có đam mê với văn hóa, lịch sử có thể tự mình tìm về ngồn cội, thăm thú lại những hiện vật, lắng nghe những câu chuyện lịch sử thú vị.



Sở Du lịch Hà Nội cho biết, lượng khách du lịch đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám cùng một số điểm tham quan như Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Khu di tích danh thắng Hương Sơn, các điểm đến khu vực Ba Vì, Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam… tính đến tháng 11-2018 cơ bản tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước.



  Theo Sở Du lịch Hà Nội, tháng 11-2018, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt hơn 2,3 triệu lượt khách, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội trong tháng 11 ước đạt 659 nghìn lượt khách, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước (khách du lịch quốc tế đến có lưu trú ước đạt 475 nghìn lượt khách, tăng 12,5% so với cùng kỳ); khách du lịch nội địa ước đạt hơn 1,65 triệu lượt khách, tăng 9,5% so với cùng kỳ.


Trong tháng 11, công suất sử dụng buồng phòng bình quân khối khách sạn đạt 65,8%, tăng 5,23% so với cùng kỳ năm 2017 và tăng 1,51% so với tháng 10-2018.

Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 7.385 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung trong 11 tháng, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt hơn 24 triệu lượt khách, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng thu từ khách du lịch trong 11 tháng ước đạt 70.715 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước.


Ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, dự kiến, trong năm nay, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội từ gần 190 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó đặc biệt là khách đến từ các thị trường có khả năng chi trả cao, như: Tây Âu, Australia, Bắc Mỹ, Đông Âu, Đông Bắc Á và nhiều thị trường khác.

Các thị trường khách du lịch trọng điểm đến Hà Nội vẫn là khách đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Anh, Đức, Australia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Canada... Trong đó, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường khách du lịch hàng đầu đến Hà Nội.

 

30 views0 comments

Comments


bottom of page